Ở Chelsea, Antonio Conte đã rơi vào tình thế tương tự những gì ông đối mặt khi còn dẫn dắt Juventus. Với tính cách của mình, ông đã bước vào cuộc chiến dù biết rằng mình sẽ là người thất bại...
Nhiều năm qua, bà Elisabetta Muscarello, vợ của HLV Conte luôn rơi vào trạng thái bất an khi người chồng của mình phải thức dậy giữa đêm, bật đèn để làm việc. Công việc của Conte không đơn giản chỉ là dẫn dắt một đội bóng mà ông còn muôn thúc đẩy mình tạo ra sự mới mẻ về tư duy chiến thuật.
Một trong những cậu học trò cưng của Conte, Andrea Pirlo cũng từng đăng đàn nói rằng "Conte là một thiên tài. Nhưng cũng giống như những thiên tài khác, ông ấy có một chút điên rồ".
Sự "điên rồ" của Conte đã lý giải cho tình hình hiện tại mà ông đang đối mặt. Đấy là cuộc chiến với chính BLĐ Chelsea dù biết rằng mình luôn là người thua cuộc.
Thực ra, Conte đã từng đối mặt điều tương tự khi ông còn dẫn dắt Juventus. Ông đã thể hiện được sự "thiên tài"của mình khi đưa Lão bà từ vị trí thứ 7 Serie A trở thành Nhà vô địch Italia trong 3 năm liên tiếp. Nhưng rồi câu chuyện ấy cũng kết thúc bằng một cuộc chia ly không kèn, không trống. Conte rời Juventus rất lặng lẽ nhưng ẩn đẳng sau đó là cả một cuộc chiến ngầm.
Thất vọng khi Juventus bị loại ở vòng bảng Champions League 2013-14, Conte đã yêu cầu đội bóng phải chi đậm cho chuyển nhượng. Ít nhất, nhà cầm quân này đã lên tiếng đòi chiêu mộ 2 cầu thủ là Alexis Sanchez và Juan Cuadrado. Nhưng khi đó, Juve chỉ chi vỏn vẹn 28,5 triệu euro để mua 6 cầu thủ, trong đó có 2 cầu thủ đến theo dạng tự do (Evra và Coman). Và khi đó, Juve cũng không bảo đảm rằng sẽ giữ Vidal và Pogba ở lại.
Sự thận trọng và bảo thủ của Juve khiến Conte phát điên. Ông từng đưa ra một tuyên bố nổi tiếng rằng "Bạn không thể ăn ở nhà hàng 100 euro với chỉ 10 euro trong túi". Đấy là chân lý ở thời điểm bóng đá phụ thuộc quá lớn vào đồng tiền.
Đến Chelsea, Conte rơi vào tình thế tương tự. Trên lý thuyết, ông nhận được sự hỗ trợ lớn hơn hẳn về tài chính so với khi dẫn dắt Juventus. Nhưng 2 giải đấu có sự khác biệt rất lớn. Ở Premier League, Conte phải cạnh tranh lớn hơn, chưa kể CLB còn nuôi tham vọng lớn ở Champions League.
Ở mùa giải này, Conte đã được đầu tư hơn 200 triệu bảng để tăng cường nhân sự. Hay như ngay trong tháng 1, yêu cầu của nhà cầm quân người Italia đã được đáp ứng bằng 3 bản hợp đồng mới (Giroud, Palmieri và Barkley).
Nhưng hãy công bằng một chút với Antonio Conte. Ông đã từng công khai quan điểm của mình trước báo giới là mua những cầu thủ mình muốn, những cầu thủ có thể tăng sức mạnh của đội hình chính chứ không phải số lượng.
Đen đủi cho Conte là ông đến Stamford Bridge ở thời điểm Chelsea không còn muốn phụ thuộc vào túi tiền của tỷ phú Roman Abramovich. Mỗi đề nghị đều được nâng lên đặt xuống.
Tại sao Conte xử phũ với Diego Costa hồi đầu mùa giải. Đấy không hẳn là mâu thuẫn cá nhân mà là 1 tuyên bố của nhà cầm quân người Italia. Ông như muốn nói với Chelsea rằng mình đang phải sử dụng những cầu thủ "không hề mong muốn". Sự điên rồ của Conte đã đưa ông vào cuộc chiến hoàn toàn bất lợi.
Chủ tịch của Juventus, ông Andrea Agnelli khi được hỏi về điểm yếu của Antonio Conte, ông đã không ngần ngại chia sẻ rằng "Antonio có một chút tự ái, đặc biệt khi bạn nói về điều mà ông ấy không hề mong muốn".
Chelsea hiện tại đã làm nhiều thứ không đúng ý Antonio Conte, đặc biệt là mối quan hệ giữa chuyển nhượng và tham vọng. Ở một môi trường thiếu sự thoải mái như vậy, thật khó để đòi hỏi sự thành công. Vì vậy, một cuộc chia ly là hợp lý cho cả 2.
Những đòi hỏi của Conte là chính đáng bởi ông là nhà cầm quân giàu tham vọng. Đội hình hiện tại của Chelsea là không tệ nhưng nó liệu đã đúng ý Conte hay chưa. Những ý tưởng về chiến thuật và đấu pháp mà nhà cầm quân người Italia hướng đến hẳn không thể phát huy hiệu quả tốt nhất. Và The Blues bắt đầu gây thất vọng. Đó là biểu biện bên ngoài của một cuộc chiến bên trong. Ở cuộc chiến ấy, thất bại luôn thuộc về những nhà cầm quân...