Tắt Quảng Cáo [X]

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Ngoại hạng Anh vì sao lộn ngược?


Leicester chiếm ngôi đầu, ĐKVĐ Chelsea bên bờ vực xuống hạng. Chưa bao giờ trong lịch sử, giải đấu cao nhất nước Anh đảo điên đến vậy. Thông qua góc nhìn phân tích thống kê, những bất thường tại Premier League sẽ phần nào được giải đáp.
Nhà ĐKVĐ Chelsea vẫn đang vật lộn ở nhóm cuối trong khi Leicester thì thăng hoa trên nhóm đầu
Nhà ĐKVĐ Chelsea vẫn đang vật lộn ở nhóm cuối trong khi Leicester thì thăng hoa trên nhóm đầu
BÀN CỜ ĐÃ THAY ĐỔI

Premier League 2015/16 dường như không còn ranh giới của đẳng cấp.Leicester đã lên ngôi đầu, đã thắng Chelsea một cách thuyết phục. West Ham lần lượt hạ gục Arsenal, Man City và Liverpool. Ngay cả một đội mới thăng hạng như Bournemouth cũng quật ngã M.U và Chelsea. Đội nhóm cuối Newcastle khi “hứng” lên cũng có thể đánh bại Tottenham, Liverpool.

Để lý giải hiện tượng bất thường này, nhiều người vin vào sự tác động của tiền bạc. Premier League đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình (BQTH) trị giá 5 tỷ bảng vào tháng 2/2015, nâng mức BQTH cho nhà vô địch lên 150 triệu bảng, còn đội bét bảng cũng chẳng kém cạnh với 99 triệu bảng. Như thế, ngay cả các đội chạy đua trụ hạng cũng có tiềm lực tài chính đáng gờm. Song nên nhớ “nước lên, thuyền lên”. Tỷ lệ phân chia BQTH tại giải ngoại hạng Anh vẫn không thay đổi từ năm 1991. Sự thực là miếng bánh cho mỗi người sẽ lớn lên, còn khoảng cách giàu nghèo giữa Chelsea và Watford vẫn vậy. 

Luật công bằng tài chính (FFP) cũng được cho là nguyên nhân hạn chế sức mạnh của các đại gia Premier League. Song thực tế không đúng. Riêng 4 ông lớn Liverpool, Chelsea, Man Utd và Man City đã chiếm một nửa tổng số tiền mua cầu thủ ở Hè vừa rồi của Premier League. Các ngôi sao rốt cuộc vẫn “chảy” về “chỗ trũng”.

Vấn đề suy cho cùng, bắt nguồn từ chính những gì diễn ra trên sân cỏ. Khoảng cách giữa các đội bóng Anh đã được thu hẹp đáng kể theo cách tính… hệ số Elo của môn cờ vua. Đây là công thức xác định sức mạnh người chơi (đội bóng) thông qua hàng loạt tiêu chí như tầm quan trọng của giải đấu, thành tích, ưu thế sân nhà… 

Vào năm 2013, các nhà toán học thuộc trường đại học Amsterdam đã công bố nghiên cứu khẳng định cách tính hệ số Elo áp dụng vào bóng đá sẽ cho đánh giá chính xác hơn BXH FIFA. Và khi sử dụng hệ số Elo cho Premier League, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng. Nghiên cứu trong năm 2015 cho thấy, độ chênh lệch hệ số Elo giữa các đội Premier League là 93, thấp nhất kể từ mùa giải 2003/04.

Dưới góc độ chuyên môn, những bất ngờ tại Premier League bắt nguồn từ những… bàn thắng bất ngờ. Để hiểu rõ điều này, hãy bắt đầu bằng khái niệm “bàn thắng dự kiến” (expected goals - xG) được tính toán dựa trên số cơ hội tạo ra. Tóm lại, xG là chỉ số tin cậy về sức mạnh tấn công của một đội bóng, xG càng cao có nghĩa đội bóng đó càng có khả năng ghi nhiều bàn thắng. Và bây giờ là thống kê rất đáng chú ý của Michael Caley, chuyên gia phân tích bóng đá: Leicester có lượng bàn thắng nhiều hơn 46% số “bàn thắng dự kiến”, tỷ lệ cao nhất Premier League mùa này. 

Ngược lại, Chelsea chịu nhiều hơn 68% so với số “bàn thua dự kiến”, cũng cao nhất Premier League mùa này.

Có nghĩa, con số 46% của Leicester đến từ những tình huống không thể ghi bàn, như cách Mahrez nhảy múa rồi vuốt má trong chân trái vào góc hiểm Chelsea. Và tương tự, Chelsea chịu quá nhiều bàn thua trong những tình huống mà ngay đối phương cũng không nghĩ bóng vào lưới. Bóng đá ác nghiệt ở chỗ đó. Nói Leicester “may” nhất mùa này và Chelsea “xui” nhất cũng không phải hàm hồ. 

NHỮNG THỐNG KÊ BIẾT NÓI

Mùa trước, Chelsea có tốc độ luân chuyển trái bóng 3,9 mét/giây trong các đợt tấn công, thấp thứ nhì tại Premier League. Lên bóng chậm là thói quen của The Blues dưới thời Mourinho. Mùa này, họ thậm chí chỉ lên bóng với tốc độ 3,5 mét/giây. Nhưng tại sao năm ngoái Chelsea vô địch còn giờ đây lụn bại thảm hại?

Vấn đề nằm ở chất lượng các pha tấn công. Năm ngoái, Chelsea có một Hazard sáng tạo cung cấp ý tưởng cho mọi đường lên bóng. Mùa này ngôi sao người Bỉ chỉ còn là bóng mờ của chính mình. The Blues vì thế rất khó tiếp cận khung thành đối phương. Khoảng cách trung bình các pha dứt điểm của Chelsea mùa này lên tới 21,8 mét, cao thứ 5 tại Premier League (trong khi mùa trước chưa tới 20 mét). Không thể mong chờ nhiều bàn thắng khi các chân sút ở quá xa khung thành đối phương như vậy.

Ngược lại với Chelsea, Leicester ưa lối đá nhanh ít cầm bóng. Tốc độ trái bóng của họ là 4,9 mét/giây mùa trước và lên tới 5,3 mét/giây mùa này, cao thứ nhì Premier League. Vấn đề là mùa trước Leicester chơi nhanh nhưng không hiệu quả còn mùa này thì trở thành ác mộng cho mọi đối thủ. Sự khác biệt nằm ở N’Golo Kante, một tiền vệ đánh chặn có khả năng phát động tấn công hiệu quả. Thống kê chỉ ra rằng trong các đợt phản công nhanh, nếu bóng qua chân Kante thì cơ hội có bàn thắng của Leicester tăng thêm 70%.

Leicester nằm trong nhóm những CLB luân chuyển trái bóng nhanh nhất lên trên, cùng với Newcastle hay Swansea. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ không phải Chelsea hay Barca để cầm bóng vờn đối phương. Nhưng đôi khi sự đơn giản lại mang tới hiệu quả, nếu có con người phù hợp để thực hiện. 
keo bong da Web Developer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét