Tắt Quảng Cáo [X]

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

ĐT Đức - Phiên bản lỗi của "số 9 ảo"


Cesc Fabregas từng lên tiếng chê trách đội tuyển Đức về việc “copy” cách chơi bóng của đội tuyển Tây Ban Nha để hướng đến thành công, tuy nhiên, anh cũng không cần quá lo vì không dễ để đạt được mục đích.
CLB Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha không phải là là nơi khởi nguồn cho khái niệm “số 9 ảo” nhưng trong bóng đá hiện đại, họ là 2 đội bóng phát huy lối chơi đó đến đỉnh cao. Ở Barca là Lionel Messi, ở đội tuyển Tây Ban Nha là Cesc Fabregas, cùng với họ là các danh hiệu La Liga, Champions League, Euro 2012.
Cho đến cuối năm 2012, “số 9 ảo” trở thành một xu thế được nhiều CLB áp dụng.
Với đội tuyển Đức, sẽ không quá nếu cho rằng, khoảnh khắc Mario Gotze ghi bàn thắng quyết định vào lưới Argentina ở trận chung kết World Cup 2014 đã đưa HLV Joachim Low đến với ý tưởng về lối chơi sử dụng “số 9 ảo”.
Cũng là một sự trùng hợp, bởi kể từ lúc Miroslav Klose tuyên bố giã từ ĐTQG, bóng đá Đức lại thiếu đi những chân sút có bản năng và sự nhạy bén trong việc săn bàn. Do đó, Gotze và đôi lúc là Thomas Muller được sử dụng như một “số 9 ảo”.
Tại Euro 2016, Low mang đến Pháp 2 tiền đạo thực thụ là Mario Gomez, Lukas Podolski (Muller cũng được đăng ký là tiền đạo), tuy nhiên, trong 2 trận đã đấu ở bảng C – gặp Ukraina và Ba Lan, Gotze là cầu thủ được sử dụng cho vai trò “số 9 ảo”.
Về mặt nguyên lý, vai trò của “số 9 ảo” thường dành cho các tiền vệ tấn công, tiền vệ tổ chức. Cũng chính vì thế, họ không thực sự tập trung vào nhiệm vụ ghi bàn mà là di chuyển tích cực, lùi sâu nhằm lôi kéo các trung vệ dâng cao, mở lối cho các cầu thủ chạy cánh hay các tiền vệ khác xâm nhập và tận dụng cơ hội.
Đòi hỏi phải có được quyền kiểm soát bóng để các cầu thủ triển khai bóng bằng cách di chuyển, hoán đổi vị trí, phối hợp, tạo khoảng trống, đội tuyển Đức đã làm theo phần lớn cách mà Tây Ban Nha đã làm hồi năm 2012. Nhưng vấn đề là, trận hòa Ba Lan 0-0 và kể cả chiến thắng 2-0 trước Ukraina không cho thấy nhiều sự hiệu quả.
Có thể, Low không muốn copy hoàn toàn mà muốn nâng tầm bằng sự đa dạng trong cách triển khai. Vì thế, có khá nhiều đường chuyền dài vượt tuyến được thực hiện từ các trung vệ - đặc biệt là Jerome Boateng, tấn công trung lộ và tập trung cho cánh trái của Hector Jonas.
Nhìn lại 2 trận đấu, không có bàn thắng nào của Die Mannschaft là kết quả của những pha phối hợp mang phong cách của “số 9 ảo”. Bàn thắng của Shkodran Mustafi là cú đánh đầu từ pha đá phạt, bàn của Bastian Schweinsteiger là một pha phản công.
Trước Ba Lan, cũng như trước Ukraina, các pha phối hợp mà các cầu thủ Đức thực hiện gần như không thể xuyên thủng được hàng thủ. Nếu coi Barca và Tây Ban Nha là đỉnh cao của lối chơi này thì trong đội hình phải có những cầu thủ thực sự hiểu nhau, có kỹ thuật cá nhân xuất sắc, có khả năng thực hiện lối chơi đập nhả trong phạm vi hẹp, nhưng đồng thời cũng có cả tầm quan sát để phát triển hướng bóng bất ngờ cho đồng đội khi đã lôi kéo được số đông hậu vệ đối phương tập trung ở khu vực có bóng.
Đội tuyển Đức hiện tại không có những Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Fabregas để phát triển điều đó, nên luôn vấp phải sự cản phá chỉ sau một vài đường chuyền. Cách di chuyển của họ trong phạm vi hẹp cũng chưa đủ tầm để phát triển “số 9 ảo” một cách hoàn hảo.
Gọi đây là “phiên bản lỗi” thì hơi quá lời, nhưng cũng phải thấy rằng, dường như thời của “số 9 ảo” đã đi qua. Mỗi một lối chơi hình thành và phát triển sẽ đều có phương án ngăn chặn theo thời gian. Có thể, Xe tăng Đức vẫn làm tốt điều đó khi gặp các đội bóng dưới trung bình, nhưng đến với VCK Euro thì đương nhiên là các hàng phòng ngự sẽ không đơn giản.
Có thể thấy, khi Gotze lùi sâu, chẳng có trung vệ nào của Ukraina hay Ba Lan bị kéo ra khỏi vị trí để tạo khoảng trống cho các cầu thủ khác xâm nhập. Và dĩ nhiên, sút xa không phải là giải pháp thường thấy để kết thúc một đường bóng của “số 9 ảo”, trong khi người Đức lại dùng khá nhiều đến phương án này để giải quyết tình huống.
Low chắc sẽ không thay đổi điều đó trên hành trình tiếp theo tại Euro 2016, nhưng rõ ràng là Đức sẽ phải đa dạng hơn nữa, xác định rõ hơn thời điểm cần phải sử dụng tiền đạo thực thụ, nếu không muốn kéo dài sự bế tắc.
keo bong da Web Developer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét