Tắt Quảng Cáo [X]

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Những dấu ấn tại vòng bảng Euro 2016


36 trận đấu của vòng bảng Euro 2016 giờ đã ở phía sau khi mọi người hướng về vòng 1/8 với những cặp đấu rất đáng chú ý. Nhưng điều gì đã tạo nên sức hút đó? Đó là những dấu ấn mà vòng bảng để lại.
Những trận đấu khó khăn và ít bàn thắng…
Có thể sẽ không ít người cảm thấy các trận đấu của vòng bảng VCK Euro 2016 không tạo ra được sự kịch tính cần thiết khi với 24 đội, UEFA phải dùng thêm điều khoản “đội đứng thứ 3 có thành tích tốt” để hoàn thiện các cặp đấu tại vòng 1/8. Dù vậy, nhìn theo khía cạnh tích cực thì điều đó cũng tạo ra sự hấp dẫn theo một cách khác.
Ở đây, điều dễ nhận thấy nhất ở bóng đá châu Âu giai đoạn này là đang có sự cân bằng nhất định về mặt trình độ. Trước giải, giới chuyên môn vẫn cứ làm nhiệm vụ “phân loại” ứng viên vô địch với “ngựa ô” hay “kẻ lót đường”. Tuy vậy, sau 36 trận đấu, khái niệm “kẻ lót đường” gần như không tồn tại.
Chỉ có duy nhất Ukraina là đội không giành được điểm nào, không ghi được bàn thắng nào tại bảng C. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ chơi không tốt. Trong khi đó, tất cả những đội còn lại đều giành được ít nhất 1 điểm, để cơ hội giành vé đi tiếp vẫn được duy trì cho đến lượt đấu cuối cùng.
Yếu tố để khẳng định sự chênh lệch trình độ đã bị thu hẹp đáng kể không phải là những chiến thắng có cách biệt tối thiểu (1-0, 2-1) xuất hiện một cách thường xuyên mà là cách mà các đội bóng thể hiện trên sân.
Người ta có thể xếp Albania, Bắc Ailen hay Iceland vào vị trí của những kẻ lót đường nhưng chứng kiến họ đã thi đấu thế nào, gây ra những khó khăn thế nào cho Pháp, Đức, Bồ Đào Nha thì có thể nói, Euro không thể không có sức hút. Trong số họ, chỉ có Albania là không may bị loại dù có 3 điểm.
Ngược lại, có những khó khăn đổ ập xuống Bồ Đào Nha, Anh, Nga khi gặp phải sức kháng cự mãnh liệt từ các đội bóng bị đánh giá yếu hơn, trong đó, Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo phải nằm trong diện “4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt” mới giành quyền đi tiếp.
Đâu đã hết, ngay cả Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ cũng có những trận đấu đầy khó khăn mà không phải do họ có sự toan tính.
Trừ 3 trận đấu có tỷ số 3-0 mà Tây Ban Nha, Wales và Bỉ có được trước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và CH Ailen, người xem không thấy một sự sụp đổ dây chuyền của các đội bóng – nhất là những đội bị đánh giá yếu hơn, dù bị ghi bàn dẫn trước.
Nói cách khác, các đội tuyển giờ đây đã “biết đá bóng hơn” khi có những cầu thủ chinh chiến ở các CLB nước ngoài. Bên cạnh đó, sức mạnh thể lực và tinh thần là yếu tố quan trọng để họ chủ động trong cách chơi phòng ngự, phản công.
Việc dứt điểm và ghi bàn giờ đây cũng không dễ dàng như trước, cho dù đội mạnh hơn giữ quyền kiểm soát bóng nhiều hơn. Chính vì thế, với tổng cộng 69 bàn thắng, vòng bảng Euro 2016 là giải đấu có tỉ lệ ghi bàn thấp nhất (1,92 bàn/trận) kể từ VCK năm 1992.
… Nhưng đừng vội tắt TV
Euro 2016 cũng là giải đấu được ví như sự rèn luyện cho người xem về độ nhẫn nại. Nếu chứng kiến những diễn biến trong hiệp 1 để nhận định về hiệp 2 mà vội tắt TV thì các CĐV sẽ bỏ lỡ đến 45 trong tổng số 69 bàn thắng được ghi tại vòng bảng (65%).
Mà nếu có cố thêm xem đến phút 75 vẫn không chịu nổi thì sẽ mất 19 bàn thắng được ghi từ phút thứ 80 trở đi (27,5%).
Có một điều thực sự đặc biệt tại Euro là có đến 7 bàn thắng được ghi trong những phút bù giờ, trong đó, 4 bàn quyết định đến điểm số cho đội nhà.
Điều đó nói lên rằng, hầu hết các đội theo đuổi mục tiêu cho đến những giây cuối cùng.
Thống kê cũng cho thấy, đây là lần đầu tiên kể từ VCK năm 1966, không có một đội bóng nào toàn thắng cả 3 trận tại vòng bảng. Đức hòa Ba Lan, Tây Ban Nha thua Croatia, Italia thua CH Ailen, Pháp hòa Thụy Sĩ, Anh hòa Nga và Slovakia…
Và điều góp phần làm nên sự thú vị của vòng đấu bảng là vị trí dẫn đầu không có tên của Anh (bảng B), Tây Ban Nha (C) hay Bồ Đào Nha (F) như dự tính của rất nhiều người.
Ở đây, dù thua CH Ailen nhưng Italia vẫn là đội để lại sự yên tâm lớn nhất trong đánh giá của giới chuyên môn – ngược hoàn toàn so với những gì diễn ra trước giải. Đội hình bị đánh giá thấp của HLV Antonio Conte đã thể hiện được bản lĩnh và sức chiến đấu trong việc tuân thủ chiến thuật đề ra. Họ cũng là đội đóng góp 2 trong số những bàn thắng vào cuối trận để giành 6 điểm trước Bỉ và Thụy Điển.
Sao sáng, sao “xịt”
Có thể bào chữa cho một vài đội trong số này về việc toan tính hay sử dụng đội hình dự bị, nhưng với Bồ Đào Nha và Thụy Điển thì khó có thể lấy lý do đó. Có trong đội hình 2 siêu sao hàng đầu thế giới là Cristiano Ronaldo và Zlatan Ibrahimovic nhưng màn trình diễn của họ là rất đáng thất vọng.
Nếu Ronaldo không tỏa sáng ở trận cuối cùng với Hungary thì Bồ Đào Nha đã phải về nước. Bồ Đào Nha là đội duy nhất không thắng trận nào mà vẫn đi tiếp (hòa 3).
Ibra chỉ có duy nhất 1 pha dứt điểm trúng đích trong 270 phút có mặt trên sân và Thụy Điển của anh chỉ có 1 bàn do đối phương phản lưới nhà. Ibra cũng chia tay ĐTQG trong nỗi thất vọng.
Một chân sút khác – Robert Lewandowski, cũng “tịt ngòi”, dù anh may mắn hơn Ibra là các đồng đội đã hỗ trợ để Ba Lan có vé đi tiếp.
Cũng có những sự kỳ vọng khác đã không làm thỏa mãn các CĐV nhà cũng như người xem như Paul Pogba (Pháp), Harry Kane (Anh), Mario Gotze (Đức), David Alaba (Áo), bên cạnh những ngôi sao vẫn thể hiện được phẩm chất của mình như Andres Iniesta (Tây Ban Nha), Toni Kroos (Đức), Luka Modric (Croatia), Dimitri Payet (Pháp)…
2 cầu thủ đang dẫn đầu danh sách ghi bàn là Gareth Bale – với lần đầu tiên cùng Wales dự VCK giải đấu lớn, và Alvaro Morata – tiền đạo trẻ của Tây Ban Nha (cùng 3 bàn).
Đội tuyển Đức hùng mạnh cũng chỉ ghi được 3 bàn từ 3 trận tại vòng bảng, thế nên, Wales và Hungary là 2 đội để lại dấu ấn lớn nhất về khả năng tấn công, với cùng 6 bàn thắng/3 trận. 
keo bong da Web Developer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét